Xây dựng căn nhà ống có diện tích 5x20 m2 ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng là nơi ở của gia đình 5 thành viên.
Mong muốn của gia chủ là có không gian sống gần gũi thiên nhiên, tìm thấy sự tĩnh lặng, bình yên giữa phố xá đông đúc.
Để giải quyết nhược điểm của kiểu nhà ống như tối tăm và bí bách, nhóm kiến trúc sư đã chia ngôi nhà thành ba phần: trước, giữa và sau. Khoảng giữa được coi như lõi của nhà, kết hợp giữa khoảng thông tầng với giếng trời cùng hệ thống cây xanh, tạo ra không gian đối lưu, điều hòa không khí.
Ngay từ cổng đi vào, nhằm ngăn cách giữa nơi để xe ồn ào nhiều khói bụi với không gian sinh hoạt bên trong, một bức vách bằng gạch nung được dựng lên. Bức vách có tác dụng như một tấm rèm che chắn cho không gian tầng trệt.
Bên trong lớp gạch nung còn có thêm một lớp kính để dễ dàng kiểm soát gió cũng như tầm quan sát.
Giữa tầng trệt là khu vực tiếp khách nhanh, phía trong gồm không gian giặt sấy và giếng trời nhỏ để đối lưu không khí.
Điểm nhấn đặc biệt của không gian này chính là hồ cá ở tầng trên. Thay vì làm hoàn toàn bằng bê tông, kiến trúc sư đã sử dụng kính cho một phần đáy hồ, mục đích là đưa ánh sáng tự nhiên xuống phòng khách tạm dưới tầng trệt. Cách bố trí này khiến không gian tầng trệt vừa nhiều ánh sáng, vừa có thể ngắm nhìn đàn cá tung tăng bơi lội... phía trên đầu.
Tầng một gồm phòng sinh hoạt chung, bếp ăn và một phòng ngủ nhỏ phía sau. Phân tách giữa hai khu vực này là hồ cá và hệ cây xanh, phía trên là giếng trời xuyên suốt từ tầng một đến tầng bốn. Đây chính là "lõi xanh" của ngôi nhà.
Vì tiếp nhận luồng gió từ mặt tiền, các cửa sổ đi vào, không khí tự đối lưu qua ô giếng trời được thiết kế hở cho gió có thể thoát ra theo nguyên lý chênh lệch áp suất. Bởi vậy, trong nhà luôn thoáng đãng, mát mẻ.
Nhiều loại cây cỏ được bố trí bao quanh lõi xanh, vừa làm dịu ánh sáng từ trên cao chiếu xuống, vừa lọc không khí và bụi bẩn. Khu vực này đem lại sự tươi mới, tràn ngập sức sống cho những người sống bên trong.
Ưu điểm của giếng trời đặt giữa nhà là có thể tiếp cận được các không gian còn lại, mang hiệu quả về yếu tố giao thông và giao tiếp của các thành viên trong gia đình.
Ở tầng hai và tầng ba, phòng ngủ lớn được bố trí phía trước, phòng ngủ nhỏ đặt phía sau. Hai không gian này được nối với nhau bằng một hành lang dài với hệ cầu thang so le nhau.
Thi công nội thất nhà phố với màu gỗ kết hợp với sắc sơn trắng không chỉ giúp hút sáng tự nhiên, phản chiếu ánh sáng tốt hơn mà còn tạo cảm giác rộng rãi hơn cho các không gian.
Cây cối phát triển theo chiều thẳng đứng của lõi xanh. Ánh sáng và gió tự nhiên chiếu xuống khu vực này giúp cây cối trong nhà phát triển tốt tươi.
Hầu như đứng ở không gian nào trong nhà, gia chủ đều có thể chạm được vào thiên nhiên, thứ thường thiếu ở những ngôi nhà phố.
Ánh sáng tự nhiên được lấy thông qua giếng trời phân bổ đều từng tầng.
Thông qua hành lang, ánh sáng được dẫn đến các phòng riêng cùng khu vực sinh hoạt chung ở các tầng. Bởi vậy, khu vực nào trong nhà cũng tràn ngập ánh sáng.
Mái kính cho giếng trời là loại kính cách nhiệt hạn chế tia UV có hại chiếu vào nhà nhưng vẫn tận dụng được nguồn sáng tối đa.
Mái nhà sử dụng tấm chống nóng, có thể tự động đóng mở tùy theo điều kiện thời tiết.
Tầng bốn có một vườn cây ăn trái nhỏ để gia chủ thư giãn, cũng là nơi gia đình thường xuyên tổ chức ăn uống mỗi khi có khách.
Tại khu vực này, kiến trúc sư đã sử dụng cây xanh, sàn gỗ chống thấm nhằm chống nóng cho tầng dưới, tránh hiện tượng co ngót do nhiệt độ của bê tông. Toàn bộ hệ thống tưới cây tự động giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho gia chủ.
Bản vẽ thiết kế công trình.
Bài viết: Trang Vy
Đơn vị thực hiện: 85 Design
THIẾT KẾ THI CÔNG XÂY DỰNG - XÂY NHÀ PHỐ ĐẸP - CÔNG TY XÂY DỰNG TẠI TP.HCM - THI CÔNG BIỆT THỰ
PHỐ VIỆT - NHÀ THẦU XÂY DỰNG UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP HÀNG ĐẦU