Công trình nằm trong khu dân cư yên tĩnh, sát bờ sông với không khí thoáng đãng nhưng cũng nhiều côn trùng. Sân vườn nằm trên nền đất mềm nên đã xảy ra hiện tượng sụt lún. Năm 2021, gia chủ quyết định cải tạo lại.
Khi cải tạo, gia chủ muốn có không gian sống bố trí hợp lý hơn, có sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Theo gia chủ, nhà là nơi lưu giữ những kỷ niệm tươi vui, không cần gượng ép theo phong cách kiến trúc cụ thể nào.
Từ yêu cầu này, nhóm thiết kế đã chọn phong cách chuyển tiếp (transitional style) kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tạo sự cân bằng giữa cái cũ và cái mới. Phong cách chuyển tiếp cho phép gia chủ kết hợp nhiều yếu tố nội thất, trang trí các phong cách khác nhau nhằm mang lại sự thống nhất trong tổng thể không gian.
Vì nằm giữa hai phong cách thiết kế khác nhau nên thi công nội thất lớn mang nét cổ điển trong nhà như hệ tủ, sofa... được tân trang lại để phù hợp với xu hướng hiện nay.
Với phong cách này, những phụ kiện trang trí kết hợp giữa cái xưa cũ và cái mới đã tạo nên sức hấp dẫn thị giác. Tại phòng khách, phòng ngủ master và sảnh thang, những tác phẩm tranh vẽ trên nền giấy dán tường được họa sỹ khéo léo thể hiện, tạo điểm nhấn cho không gian.
Họa sỹ rất chú trọng đến độ thở của tường bê tông để hơi ẩm không thẩm thấu đến nền vải dán tường. Sau khi chọn nền vải thích hợp mới nâng giá trị thẩm mỹ bằng cách khắc họa những đường nét uốn lượn của cây cỏ, hoa lá.
Sảnh chính của căn nhà trước đây khá luộm thuộm, ngổn ngang giày dép. Khi cải tạo lại, nhóm kiến trúc sư đã biến hóa nơi này thành một "Khu vườn mùa đông" với mặt tiền rộng đón gió sông. Đây là nơi gia chủ đọc sách, trò chuyện hoặc uống trà thư giãn. Khu vực này ngăn đôi với không gian tiếp khách, xem phim bằng độ cao bậc nhà, nhưng vẫn liên thông với nhau.
Không muốn bị gò bó bởi những bức tường, tầng một sử dụng hệ cửa sổ lớn để có thể kết nối dễ dàng với thiên nhiên bên ngoài. Chỉ cần mở cửa, gia chủ có thể tận hưởng nắng gió thổi từ sông ngay khi ở trong nhà.
Phong cách chuyển tiếp thể hiện rất rõ tại phòng ăn khi có sự pha trộn hài hoà giữa hiện đại và truyền thống. Phong cách hiện đại với những đường nét đơn giản, mảnh của nội thất kết hợp với phong cách cổ điển của họa tiết bình hoa, chất liệu ghế mây, đèn ăn dạng chùm... tạo sự thống nhất, hòa hợp trong tổng thể không gian.
Dải màu trung tính là chi tiết điển hình mà phong cách chuyển tiếp thường sử dụng. Để vận dụng màu sắc trong thiết kế nội thất chuyển tiếp, kiến trúc sư đã sử dụng tông đen, trắng ngà, xám, be... như một sự chuyển mình để nối tiếp những yếu tố tiếp theo.
Nhà để xe trước đây, nay được biến đổi thành phòng học cho trẻ nhỏ.
Căn phòng này với tông màu xanh, xám, trắng hòa quyện vào nhau, làm không gian trở nên sáng sủa. Bộ bàn ghế tông màu xám trắng vừa tạo nền cho toàn bộ không gian vừa chuyển tiếp giữa các màu sắc khác như xanh trắng- xanh-nâu đậm của gỗ, khiến kiến trúc phòng trở nên mạch lạc và đồng nhất hơn.
Khu vực dưới chân cầu thang nằm sát khu bàn học, bởi vậy kiến trúc sư đã biến không gian này từ "không gian chết" thành góc đọc sách, trò chuyện của các bạn nhỏ.
Không quá cầu kỳ và chạm khắc tinh vi như phong cách cổ điển, nội thất trong phong cách chuyển tiếp thường mang những đường nét nhẹ nhàng.
Phong cách này cũng ưu tiên chọn những mẫu hoạ tiết uốn lượn, không chọn những thứ dư thừa bởi sẽ khiến không gian mất cân đối, giảm đi sự hài hòa vốn có.
Khi cải tạo, gia chủ yêu cầu kiến trúc sư bổ sung thêm khu bếp khô kèm quầy bar nhỏ. Đây cũng là nơi cắm hoa yêu thích chủ nhà.
Chi tiết mái vòm xuất hiện nhiều trong kiến trúc khiến không gian trở nên mềm mại hơn.
Khu vệ sinh với tông màu xanh trung tính làm dịu mát không gian.
Bản vẽ của công trình.
Thời gian thiết kế và thi công là 6 tháng, tổng chi phí xây dựng biệt thự chưa được tiết lộ.
Bài viết: Trang Vy
Đơn vị thực hiện: TD architects
Hình Ảnh: Phú Đào
THIẾT KẾ THI CÔNG XÂY DỰNG - XÂY NHÀ PHỐ ĐẸP - CÔNG TY XÂY DỰNG TẠI TP.HCM - THI CÔNG BIỆT THỰ
PHỐ VIỆT - NHÀ THẦU XÂY DỰNG UY TÍN - CHUYÊN NGHIỆP HÀNG ĐẦU